Khai thác di tích nhà tù gần 120 năm của Pháp tại Hạ Long phục vụ du lịch

Sáng ngày 24/02/2023, phường Hồng Gai tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích nhà giam tù chính trị Hòn Gai của thực dân Pháp nằm ở khu 1, phường Hồng Gai, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Sáng ngày 24/02/2023, phường Hồng Gai tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích nhà giam tù chính trị Hòn Gai của thực dân Pháp nằm ở khu 1, phường Hồng Gai, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Di tích nhà giam tù chính trị Hòn Gai. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đây là bước đầu tiên trong kế hoạch đưa chứng tích đặc biệt này vào khai thác du lịch của UBND TP.Hạ Long.

Ngay khi quản lý vùng đất này, do triều đình nhà Nguyễn nhượng lại bằng một văn tự mua khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, được ký vào 26.7.1884, thực dân Pháp nhanh chóng đặt ách cai trị và tổ chức khai thác than nhằm vơ vét bóc lột tài nguyên của nước ta.

Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh được tổ chức ngày tại di tích sáng 24.2.2023.

Ảnh: Nguyễn Hùng

Di tích nhà giam tù chính trị Hòn Gai hiện nay từng là một trong những nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp, được một công ty khai thác than lớn nhất của Pháp lúc đó dựng lên vào khoảng đầu thế kỷ 20 để giam cầm, tra tấn các thế hệ công nhân, nhân dân yêu nước và các chiến sĩ cộng sản trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ vùng Mỏ. Tuy nhiên, đây cũng là nơi chứng kiến tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ công nhân, nhân dân yêu nước và các chiến sĩ cộng sản. 

Để đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân vùng Mỏ, thực dân Pháp đã cho cải tạo cây cầu cảng bốc xếp than (đã không còn sử dụng) ở cảng than Hòn Gai của Công ty mỏ than Bắc kỳ (SFCT) thành nhà giam. Trụ sở cũ của công ty này, được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 hiện là trụ sở điều hành của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh. Với vị trí nằm ngay cửa ngõ ra vào Hòn Gai, nhà giam với gông, cùm, xiềng xích, đòn roi… còn là công cụ để thị uy, uy hiếp tinh thần của con người khi họ vừa đặt chân vào đất mỏ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Nhà giam tù chính trị của thực dân Pháp ở Hòn Gai trước đây gồm bốn bộ phận, đó là: khu nhà giam giữ tù nhân; đường hầm; nhà tra tấn; khu nhà ở của bọn cai ký, quản ngục. Nay nhà giam chỉ còn lại vết tích, đó là bức tường phía sau tiếp giáp với chân núi và một đoạn đường hầm. Bức tường còn lại của nhà giam được xây dựng bằng đá và gạch chỉ, chiều dài 83,6m; chiều cao 2,4m. Trên nóc tường, cứ cách 1m lại có dấu vết một đầu thanh dầm mái. Phần nền của nhà tù trước đây rộng khoảng 9,9m2 nay trở thành vỉa hè và một phần lòng đường của quốc lộ 18A cũ (đường Lê Thánh Tông). Ảnh: Nguyễn Hùng

Khu nhà ở của bọn cai ký, quản ngục nằm ngay sườn đồi phía bên trên nhà giam và nhà tra tấn cũng không còn do sau này bị phá bỏ để xây dựng một dãy nhà cấp 4 làm tập thể cho công nhân viên ở, sau đó thanh lý cho các hộ gia đình. Hiện, vẫn còn 9 hộ gia đình đang sinh sống tại đây. Tại ngõ 5, phố Hàng Than, thuộc khu 1, phường Hồng Gai còn một ngôi nhà cấp 4 xây từ thời Pháp, được cho là nhà ở của cai ký hoặc quản ngục. Trong ảnh là bức tường còn lại của nhà tù và các thanh sắt của nhà tù. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trên bức tường còn lại của nhà giam có gắn hai tấm bia bằng đá với cùng nội dung. Một bia dựng năm 1963, bia này cao 50cm, rộng 60cm, nội dung của bia như sau: “Nơi đây là nhà tù thực dân Pháp dựng từ ngày đầu chúng xâm lược để giam cầm, khủng bố các chiến sĩ cộng sản, công nhân và nhân dân vùng mỏ đấu tranh chống chế độ thống trị tàn bạo của chúng”. Ảnh: Nguyễn Hùng

Lúc đầu nhà tù không có đường hầm, nhưng năm 1944, lo sợ phát xít Nhật sẽ đảo chính nên thực dân Pháp đã cho xây dựng thêm căn hầm dùng để trú ẩn. Đường hầm này ăn sâu vào lòng núi và có ống thông gió ăn lên phía đỉnh núi. Hầm được xây bằng đá và gạch chỉ; rộng khoảng 1 đến 1,5m; cao trung bình 1,8 đến 2m, nền bằng phẳng, nóc cuốn vòm; cửa vào của đường hầm được mở từ bức tường phía trong của nhà giam, nay vẫn còn. Năm 2016, do mưa bão nên một phần ống thông gió của đường hầm ở lưng chừng núi đã bị sụt lún. Trong ảnh là cổng vào đường hầm. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ngôi nhà này từng là trụ sở làm việc của Công ty mỏ than Bắc kỳ (SFCT), được xây dựng cuối thế kỷ 19, hiện là trụ sở điều hành của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tại Quảng Ninh, nằm cách không xa di tích nhà tù Hòn Gai. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trong tòa nhà cổ này cũng có một đường hầm. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo: Nguyễn Hùng - Báo Lao Động

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 28