Cụm Di tích Núi Bài Thơ - Chùa Long Tiên - Đền Đức ông thuộc địa phận phường Hồng Gai và phường Bạch Đằng, thành phố Hạ long - Di tích Lịch sử văn hoá - Danh thắng, xếp hạng cấp Quốc gia năm 1992

Núi Bài Thơ, Chùa Long Tiên, Đền Đức Ông, Phường Hồng Gai, Phường Bạch Đằng - thành phố Hạ Long, di tích Lịch sử văn hoá - Danh thắng, Quyết định xếp hạng Số 1140/QĐ-BT, ngày 31/08/1992.

Núi Bài Thơ nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long. Ba mặt núi là những khu dân cư đông đúc, phía tây và phía nam núi kề bên Vịnh Hạ Long xinh đẹp. Núi Bài Thơ là nơi ghi lại dấu ấn lịch sử, là biểu tượng của thành phố Hạ Long, nơi quần tụ của nhiều di tích nổi tiếng như: chùa Long Tiên, đền Đức Ông, Trung tâm điện chính Bưu điện Quảng Ninh…

Theo truyền thuyết dân gian ở địa phương kể rằng: núi Truyền Đăng là ngọn núi cao nhất ở vùng biển Cửa Lục, án ngữ trên con đường hàng hải cổ đại từ phía Bắc vào nội địa nước ta. Các triều đại phong kiến đều lấy núi Truyền Đăng đặt làm vọng gác tiêu biểu ở vùng biển ải Đông Bắc. Hàng đêm, lính đồn trú treo ngọn đèn nồng trên đỉnh núi báo hiệu tình hình phía Đông Bắc vẫn yên tĩnh. Nhưng khi có giặc dã, người lính bèn đốt củi cho ngọn khói bốc cao báo động về đất liền.

Từ việc treo đèn đốt lửa của lính đồn trú trên đỉnh núi, nên núi có tên là Dọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng.

Năm 1468, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi tuần vùng biển An Bang và đóng quân dưới núi Truyền Đăng. Trước vẻ đẹp nước non hùng vĩ và tinh thần yêu nước của những người lính nơi đây, người đã sáng tác một bài thơ và cho khắc vào phía Nam của núi Truyền Đăng. Từ đó núi có tên là núi Bài Thơ.

Hai trăm sáu mươi mốt năm sau (1729), trong một chuyến đi kinh lý qua vịnh Hạ Long, chúa trịnh Cương đã làm một bài thơ hoạ lại bài thơ của vua Lê thánh Tông và cho khắc vào ngay phía bên trái.

Ngoài ra còn có bài thơ của Nguyễn Cẩn khắc vào năm Canh Tuất (1910) và một số bài thơ khác.

Những bài thơ trên vách núi Bài Thơ là những tác phẩm văn học cổ điển, những di tích văn học ngoài trời rất có giá trị, làm cho núi Bìa Thơ không chỉ đẹp ở cảnh quan thiên nhiên mà còn đẹp ở bề dày lịch sử với dấu tích hoạt động của con người qua nhiều thời đại.

Ngày mồng 1 tháng 5 năm 1930, cờ đỏ Búa Liềm tung bay phất phới trên đỉnh núi Bài Thơ, đây là một sự kiện quan trọng, cổ vũ  mạnh mẽ đối với phong trào công nhân vùng mỏ. Và bây giờ ngọn cờ đó vẫn tung bay phất phới trên ngọn núi Bài Thơ, là biểu tượng của thành phố Hạ Long - vùng đất mỏ anh hùng.

Trong thời kỳ chống Mỹ, dân quân tự vệ phường Bạch Đằng ở ngay trung tâm thành phố Hòn Gai ( thành phố Hạ Long bây giờ), dưới chân núi Bài Thơ. Khu phố  đã thành lập một khẩu đội 12 ly 7 và đưa lên trực chiến ngay trên núi Bài Thơ. Khẩu đội này là một trận địa phòng không bám trụ và chiến đấu trong điều kiện hết sức gian khổ và góp phần tích cực vào thắng lợi chung của quân dân vùng mỏ Quảng Ninh.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ (1964 -1975), Trung tâm điện chính Bưu Điện Quảng Ninh đã sơ tán nhà cơ vụ đến các hang ở sườn núi phía đông của núi Bài Thơ và đặt một trạm viba để phát sóng truyền đi những thông tin quan trọng. Trung tâm điện báo không chỉ đảm bảo trông tin liên lạc thông suốt mà còn góp phần đánh trả lại máy bay Mỹ , bảo vệ trạm phát sóng an toàn.

Trung tâm Điện chính này đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử  cấp quốc gia theo Quyết định số 30 QĐ/VH, ngày 24/11/2000.

Phía Bắc chân núi Bài Thơ còn có một ngôi chùa linh thiêng có tên là chùa Long Tiên, thuộc phường Bạch Đằng thành phố Hạ  Long. Chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng vẫn đảm bảo được nét cổ kính của kiến trúc cổ truyền Việt Nam và là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Hạ Long.

Chùa Long Tiên xây theo kiểu chữ nhị (=) gồm ba gian tiền đường và ba gian hậu cung theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái có các đầu đao vút lên mềm mại. Hệ thống vì kèo cột gỗ kiểu giá chiêng chồng rường tứ hàng chân. Phía trước tiền đường đắp nổi bức tranh diễn tả việc thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh. Mái lợp ngói âm dương. Đặc biệt, các họa tiết hoa văn trong chùa thể hiện rõ đặc trưng phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Trong cùng một không gian chùa thờ ba chủ thể: thờ Phật, thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh nhà Trần, thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Hệ thống tượng ở đây khá phong phú và đặc sắc có giá trị nghệ thuật cao.

Phía Đông chân núi Bài Thơ là đền Đức Ông, thuộc khu vực Bến Đoan, phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long và tên chữ là Phúc Linh từ (đền Phúc Linh).

Đền quay hướng nam, kiến trúc kiểu chữ đinh gồm ba gian bái đường và một gian hâụ cung được xây cất trên nền đất cao. Mặt trước của đền trang trí tùng, cúc, trúc, mai hóa rồng, trước của đền là cây đa cổ thụ ngày đêm tỏa bóng mát, đã minh chứng cho sự trường tồn của di tích.

Qua tư liệu Hán Nôm còn lưu lại thì đền xây dựng để thờ Hưng Đạo Vương Trần  Quốc Nghiễn, con trai cả của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Dưới gốc đa còn tấm bia đề: “Trần triều Hưng Vũ Vương Đông Hải Đại Vương chứng giám” (Đông Hải Đại Vương Hưng Vũ Vương triều Trần chứng giám).

Tại đây có một tấm bia khắc năm Quý  Sửu (1913) có nội dung sau: “Xét thấy nơi đây (núi Bài Thơ)” sơn thủy hữu tình, đền đài tráng lệ, quả là nơi linh thiêng đệ nhất thiên hạ mà ai nấy đều phải tôn kính. Nay bọn chúng tôi (các chủ thuyền ) từ xa xôi ngàn dặm tới đây, vượt qua bao sóng gió nếu không nhờ vào sức phù trợ của Đại Vương thì làm sao được như thế. Nhưng vì ngôi đền cổ xưa bị gió dập, mưa vùi mà thấy bùi ngùi không nguôi. Tôi họp các bạn thuyền cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng lại ngôi đền cổ để việc phục thờ được lâu dài...”.

Hàng năm, cứ đến ngày 24 tháng 3 âm lịch, nhân dân thành phố Hạ Long lại nô nức về đây dự hội. Mở đầu lễ hội là lễ tế thánh tại đền Đức Ông, sau đó rước kiệu long ngai bài vị Đức Ông đi về phía bến phà, qua đền Vụng Đâng và dừng lại ở chùa Long Tiên để làm lễ tế Đức Thánh Trần. Sau khi làm lễ xong, lại rước kiệu về đền Đức Ông. Ngoài lễ rước, hội còn tổ chức hát chầu văn, chèo đường, ca trù...

Núi Bài Thơ cùng với chùa Long Tiên và đền Đức Ông đã tạo thành cụm lịch sử vănhóa hết sức phong phú đa dạng, chứa đựng giá trị thẩm mỹ và giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc. Cụm di tích núi Bài Thơ đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử, thắng cảnh theo Quyết định số 1140/QĐ/BT, ngày 31/8/1992 (Bổ sung khu di tích thắng cảnh vịnh Hạ Long - Quyết định số 313 VH/QĐ, ngày 28/4/1962).

Cổng thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 197