Binh đoàn Than huyền thoại

Trong nhịp sống phát triển mạnh mẽ, sôi động của quê hương Quảng Ninh hôm nay, thế hệ trẻ vẫn luôn khắc sâu ghi nhớ, dành tình cảm tri ân với những thế hệ cha ông đã kiên cường chiến đấu hy sinh, giành độc lập tự do cho dân tộc. Binh đoàn Than là một trong những niềm tự hào to lớn của Vùng mỏ Anh hùng.

Binh đoàn Than làm lễ xuất quân năm 1967. Ảnh tư liệu.

Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2020), câu chuyện về Binh đoàn Than lại sống động trong ký ức người Vùng mỏ. 53 năm về trước có một lớp thợ mỏ đã hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ, thực hiện sứ mệnh vệ quốc vẻ vang, lập nhiều chiến công hiển hách. Đi qua chiến tranh, nhiều người trong số họ trở về, chung tay góp sức xây dựng quê hương như lời thề ngày xuất quân.

Cuốn nhật ký chiến trường

Qua kết nối của Hội Cựu chiến binh tỉnh và Ban Liên lạc Binh đoàn Than, chúng tôi tìm đến căn nhà số 524 ở đường Bãi Muối, phường Cao Thắng (TP Hạ Long), gặp ông Bùi Duy Thinh. Người lính Binh đoàn Than năm xưa nay mắt đã mờ, chân bước cũng chậm hơn, nhưng ký ức hào hùng hơn nửa thế kỷ trước trong ông không hề phai mờ.

Cựu chiến binh Bùi Duy Thinh bên những kỷ vật chiến tranh, bao gồm 2 cuốn nhật ký.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thinh mang ra 2 cuốn sổ nhật ký nhỏ đã ố vàng, sờn mép vì thời gian. Gần 500 trang giấy kín chữ viết tay này là kỷ vật chiến trường quý giá nhất, đã đồng hành cùng ông Thinh suốt một thời trai trẻ, từ khi nhập ngũ, qua các chiến trường Đường 9 - Khe Sanh, Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... Mỗi khi nhớ về đồng đội, nhớ về một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", người lính già lại lần giở từng trang viết, ôn lại kỷ niệm xưa cùng đồng đội, kể lại cho con cháu nghe về câu chuyện đời lính - thợ mỏ của mình.

Trang nhật ký đầu tiên, ông Thinh viết: "Thu 1967. Hàng ngàn thanh niên của đất mỏ anh hùng đã ra đi với đầy nhiệt huyết Cách mạng, niềm tin tưởng vào ngày mai huy hoàng, tráng lệ, phồn vinh của Tổ quốc thân yêu... Chào đất mỏ thân yêu, chào Vịnh Hạ Long hùng vĩ, chào tất cả những người bạn, người công nhân của đất mỏ thân thương. Tôi xin tạm xa, ra đi làm cách mạng với nghĩa vụ thiêng liêng của người con sống trong thời đại anh hùng...".

Những trang nhật ký của ông Bùi Duy Thinh.

Ngoài 2 cuốn nhật ký của mình, ông Thinh hiện còn giữ 1 cuốn nhật ký của vợ ở hậu phương, viết trong 10 năm ông đi chiến đấu.

Ông Thinh khi đó mới là chàng thanh niên 22 tuổi, là cán bộ kỹ thuật của Mỏ than Hà Tu. Là con một trong nhà, mới cưới vợ được 10 ngày, thuộc diện được đơn vị xét duyệt vào danh sách cán bộ cử đi Ba Lan học tập..., nhưng ông Thinh vẫn xung phong ra chiến trường.

"Lúc đó khắp nơi đều sôi sục tinh thần kháng chiến, cách mạng. Ai cũng muốn được mặc quân phục, tay bồng súng, lưng khoác ba lô để chiến đấu với kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương. Bằng chứng là gần như tất cả thợ mỏ đi đợt đó đều là những người viết đơn xung phong ra trận. Với chúng tôi, đó là niềm vinh dự lớn lao hơn tất thảy" - ông Thinh bồi hồi chia sẻ.

Qua những lần hành quân vượt mưa bom bão đạn, những trận quyết chiến khi giáp mặt địch, cuốn nhật ký vẫn luôn đồng hành cùng ông. Mỗi đêm dừng chân trong hầm tối, ông Thinh lại tranh thủ viết lại chi tiết về diễn biến cuộc hành quân, chiến đấu và suy nghĩ, cảm xúc của mình qua từng ngày, từng giai đoạn.

Ông Bùi Duy Thinh đã ghi chép cận thận vào nhật ký nhiều sự kiện lịch sử trong giai đoạn 1967-1977 và những tâm tư, cảm xúc của chính mình.

Chiếc đèn tự chế từ pin đài cát xét và bóng đèn nhỏ của lính Mỹ bỏ lại tỏa ánh sáng thấp thoáng, đủ để ngòi bút máy Hồng Hà đưa nét trên mặt giấy thẳng tắp theo hàng. Để tiết kiệm giấy và mực, những con chữ được viết thật nhỏ mà vẫn rất dễ đọc, đều đặn, hài hòa. Sau này, bút máy hỏng, ông Thinh viết nhật ký bằng bút bi lấy từ xác lính Mỹ.

Đọc cuốn nhật ký chiến trường này, chúng tôi cảm nhận rõ những gian khổ mà những người lính năm xưa đã trải qua. Nhưng dù có phải hy sinh nhiều hơn nữa, ông Thinh và đồng đội vẫn luôn giữ vững niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ quyết không phụ sự trông mong của hậu phương, ngày đêm ra sức, góp thêm chiến công vào chiến thắng đang đến rất gần.

Được lắng nghe lời kể qua góc nhìn của một người trong cuộc, câu chuyện lịch sử cứ thế tái hiện trước mắt chúng tôi.

Binh đoàn huyền thoại

Tháng 7/1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Trung ương đã cho phép tỉnh Quảng Ninh và ngành Than lần đầu tiên tổ chức một đợt tuyển quân quy mô lớn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, những người thợ mỏ đã hăng hái làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Nhiều người trong số họ còn trích máu, viết huyết tâm thư xin được cùng đồng đội cầm súng ra tiền tuyến chiến đấu.

Binh đoàn Than làm lễ xuất quân năm 1967. Ảnh tư liệu.

Sau thời gian ngắn huy động và tuyển chọn, gần 2.000 thợ mỏ và một số đơn vị khác được tập hợp thành ba tiểu đoàn, gồm: Tiểu đoàn 385, Tiểu đoàn 386 và Tiểu đoàn 9. Trong đó, tất cả các thành viên của Tiểu đoàn 385 và Tiểu đoàn 386 đều là thợ mỏ ở khu vực Hòn Gai và Cẩm Phả; Tiểu đoàn 9 là tập hợp quân số của nhiều ngành, nghề, với khoảng 900 người.

Cái tên “Binh đoàn Than” dù không phải phiên hiệu chính thức trong quân đội, nhưng đã được đặt chung cho lực lượng này. Đến ngày 30/7/1967 Binh đoàn Than làm lễ xuất quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là đợt xung phong tòng quân lớn nhất của Quảng Ninh tính đến bây giờ.

Tiểu đoàn 9 tham gia huấn luyện tại Đông Triều, Quảng Ninh, sau đó hành quân thẳng vào Kon Tum. Tiểu đoàn 385 và Tiểu đoàn 386 huấn luyện tại Hòa Bình, đến tháng 12/1967 thì di chuyển toàn bộ vào mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị để bổ sung cho lực lượng của ta đang chiến đấu ác liệt tại Làng Vây - cứ điểm đặc biệt của Mỹ trong hệ thống phòng ngự trên Đường 9 - Khe Sanh.

Chiến sĩ Binh đoàn Than nhận cờ Quyết thắng của tỉnh trao tặng. Ảnh tư liệu

Thông tin về việc thành lập Binh đoàn Than nhanh chóng được phía địch nắm bắt. Nửa tháng sau khi xuất quân, thông tin trinh sát của ta cho biết: Đài BBC loan tin rằng có một binh đoàn đặc nhiệm của quân đội Việt Nam, bao gồm toàn thợ lò từ Vùng mỏ đang hành quân vào Nam. Thế là quân đội Mỹ ra sức bỏ bom tìm diệt Binh đoàn Than trên đường hành quân, hòng chặn đứng một lực lượng tinh nhuệ, kỷ luật cao, sức khỏe tốt đang trên đường hướng thẳng về tiền tuyến.

Vào thời điểm đó, việc tiến công cứ điểm Làng Vây được Quân ủy Trung ương xác định là trận đánh then chốt mở đầu Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, nhằm đạt mục đích chiến lược là kéo và kìm giữ một phần lực lượng cơ động chiến lược quan trọng của địch. Thực tế, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vang dội, tiêu diệt hoàn toàn một cứ điểm trọng yếu, tập trung lớn cả binh lực, hỏa lực, nhiều công sự kiên cố, vững chắc... của địch. Từ đó tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giành thắng lợi.

Danh tiếng của “Binh đoàn Than” đã được thể hiện qua mỗi trận đánh. Kể từ khi được thành lập đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người lính Binh đoàn Than đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Ông Thinh sau trận đánh sân bay Tà Cơn ở Quảng Trị năm 1968 trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, tức là chỉ 1 năm sau khi Binh đoàn Than xuất quân từ bến phà Bãi Cháy. Đó cũng là chiến công lớn đầu tiên của người đảng viên trẻ này sau khi chính thức được kết nạp vào Đảng ngày 5/2/1968.

Từ 3 tiểu đoàn ban đầu, những người lính Binh đoàn Than được chia ra, bổ sung vào các trung đội, tiểu đội khác nhau ở các đơn vị mới, tiếp tục chiến đấu. Có người ở lại tham gia giải phóng Tây Nguyên, có người trong đoàn quân tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn năm 1975; có người tiến công đến tận miền Tây Nam Bộ. Dù trong hoàn cảnh nào, sức mạnh, phẩm chất kiên trung và tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ cũng được phát huy.

Bộ đội hành quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, trong trận quyết đấu cuối cùng, nhiều chiến sĩ của Binh đoàn Than đã tham gia lực lượng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975, ông Bùi Duy Thinh là một trong 50 người của Binh đoàn Than được bổ sung cho Trung đoàn 28, theo mũi tấn công vào Bộ tổng Tham mưu Ngụy, chứng kiến tận mắt thời điểm lịch sử lúc 11 giờ 30 phút tại Dinh Độc Lập.

Niềm tự hào Binh đoàn Than gắn với những tin vui liên tiếp báo về Vùng mỏ. Điển hình, như: Chiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (công nhân Tuyển than Hòn Gai) cùng đồng đội bắn cháy 2 xe tăng, 1 xe cơ giới; chiến sĩ Nguyễn Đức Bình (thợ mỏ Đèo Nai) cùng đồng đội đánh Kho xăng Nhà Bè, thiêu hủy hàng vạn lít xăng dầu; Tiểu đội trưởng Phạm Ngọc Niếp (thợ mỏ Thống Nhất) dũng cảm mưu trí, cùng đồng đội bắn chìm 1 tàu chiến của Mỹ - Ngụy...

Rất nhiều đồng chí khác đã chiến đấu anh dũng, lập chiến công, được báo công về các nhà máy, xí nghiệp, được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Huân chương Giải phóng... Danh tiếng của những người lính Binh đoàn Than trở thành niềm tự hào của nhân dân Vùng mỏ, là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

Tiếp tục lao động và cống hiến

Gần 2.000 người lính Binh đoàn Than năm xưa đã hướng thẳng về chiến trường miền Nam với quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chỗ nào khó khăn, gian khổ ác liệt nhất, họ sẵn sàng có mặt, đi mũi tiên phong, quyết giành thắng lợi.

Thống kê sau năm 1975, có hơn 300 người lính Binh đoàn Than năm ấy không bao giờ trở lại; gần 400  là thương binh hoặc bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Ông Nguyễn Hải Hiệp, Trưởng Ban Liên lạc Binh đoàn Than, ôn lại kỷ niệm thời tham gia kháng chiến.

Người lính Binh đoàn Than trở về

"Lại về với tầng than

Vai áo sờn còn khét mùi bom đạn

Anh lại đi dưới mưa nắng chênh chao

Đường vào trận, mùa than này đẹp lắm

Lòng moong sâu, nắng cũng hoe vàng

Người lính Binh đoàn Than đã qua trăm trận đánh

Điềm nhiên sinh tử giữa đạn bom

Lại bồi hồi trước trận hạ moong sâu

Tay lái đưa máy vào cắt vỉa

... Người lính Binh đoàn Than và bài ca xung trận

Bài hát ấy một thời đánh giặc

Nay quân hành bước tiếp phía moong sâu

Khúc quân hành xanh cả thời trai

Dưới đạn bom hay dưới trời nắng lửa

Trước quân thù hay vào gương than mới

Vẫn nồng nàn tổ quốc trên vai”.

Trích thơ Trần Đình Nhân, tập thơ "Tôi và than", NXB Văn học, 2016.

Ông Nguyễn Hải Hiệp, Trưởng Ban liên lạc Binh đoàn Than, chia sẻ: “Hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, đa số anh em chúng tôi đã phục viên, chuyển ngành trở về với quê hương như lời thề ngày xuất quân. Những người đủ sức khỏe ngay lập tức trở lại với ngành Than và các ngành khác, cần mẫn lao động, cống hiến với tinh thần cách mạng, xung kích vẫn nguyên vẹn như khi còn tại ngũ. Nhiều anh em tiếp tục được đào tạo, bổ nhiệm các chức vụ trong các đơn vị, xí nghiệp, cống hiến nhiều năm cho tới khi về hưu”.

Ông Bùi Duy Thinh khi quyết định quay lại Xí nghiệp Than Cao Thắng là đang ở tuổi 32 (năm 1977). Ông được đơn vị phân công về làm việc tại Phòng Tổ chức cán bộ, đảm nhận vai trò Chủ tịch Công đoàn của Xí nghiệp nhiều năm. Sau đó ông chuyển công tác tới Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại chức Công ty Than Hồng Gai. Đơn vị này sau được sáp nhập với 6 đơn vị khác để thành lập Trường CĐ Nghề mỏ Hồng Cẩm Vinacomin, nay là Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam.

Một số đồng đội khác của ông Thinh cũng quay lại ngành Than sau ngày toàn thắng. Ông Chu Văn Đích về Nhà máy Cơ khí Hòn Gai; ông Lưu Xuân Quý về Mỏ than Hà Tu; ông Trịnh Xuân Đối về Mỏ Than Thống Nhất; ông Nguyễn Văn Chiến về Tuyển than Hòn Gai; ông Nguyễn Thế Toàn về Mỏ than Vàng Danh...

Không ít người lính Binh đoàn Than trở về được Đảng cử, dân tin, giao đảm nhận những trọng trách tại nơi cư trú, như: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Thường trực Đảng ủy, Ủy ban MTTQ, đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện, bí thư các chi bộ khu dân cư... Dù ở cương vị công tác nào, hay khi đã về nghỉ hưu, họ vẫn tiếp tục là đầu tàu gương mẫu trong nhiều phong trào thi đua từ cơ sở.

Tại TP Cẩm Phả, các ông Nguyễn Hải Hiệp, Trần Bá Đức, Phạm Ngọc Khôi nhiều năm liền tham gia HĐND các cấp, trong ban lãnh đạo Hội Cựu chiến binh thành phố. Ông Hiệp vừa đảm nhiệm Trưởng Ban liên lạc Binh đoàn Than, vừa là Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Cẩm Tây trước khi nghỉ hưu. Ông có 8 người con, cả trai, gái, dâu, rể, trong đó có 7 người đang công tác trong ngành Than, xây dựng gia đình tại Vùng mỏ Cẩm Phả.

Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo TKV cùng chụp ảnh lưu niệm với các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Binh đoàn Than ra trận, năm 2017. Ảnh: Phạm Học.

Những người lính của Binh đoàn Than huyền thoại năm nào, ai còn sống đến nay cũng đều đã qua tuổi “thấp thập cổ lai hy”. Có người còn minh mẫn, nhanh nhẹn, có người sức khỏe yếu vì tuổi cao, những vết thương vì bom đạn thời chiến vẫn đau nhức khi trái gió trở trời, nhưng ký ức hào hùng thời trai trẻ mãi không phai. Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của người lính Binh đoàn Than vẫn đã, đang được trao truyền, tiếp nối tới thế hệ con cháu.

Ông Nguyễn Hải Hiệp cho biết thêm: "Đến nay, thông qua đầu mối kết nối là Ban liên lạc Binh đoàn Than, những người lính qua hơn nửa thế kỷ vẫn gắn bó với nhau, kịp thời thông tin, sẵn sàng tương trợ nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn. Dịp 30/7 hằng năm, chúng tôi cố gắng tổ chức gặp mặt; vào các năm chẵn thì có thêm kinh phí hỗ trợ từ TKV để tổ chức kỷ niệm, ôn lại truyền thống. Một số anh em còn tự tổ chức một số cuộc đi tìm hài cốt đồng đội đưa về quê hương, thăm lại chiến trường xưa, tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở biên giới...".

Bia kỷ niệm nơi xuất quân của Binh đoàn Than được đặt tại bến phà Bãi Cháy cũ (phường Hồng Gai, TP Hạ Long).

Binh đoàn Than ra trận, lập nên nhiều chiến công hiển hách là sự kết hợp của chủ nghĩa yêu nước với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân mỏ. Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các thế hệ Vùng mỏ hôm nay vô cùng tự hào, biết ơn, trân trọng và tri ân những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông, quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Ninh, xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp.

Hoàng Giang – Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 226