Tòa nhà Pháp cổ hơn trăm tuổi với đường hầm bí mật tại Hạ Long
Trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, được xây dựng năm 1888, hiện là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tại địa chỉ 95A, đường Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, cơ bản vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu.
Trụ sở của Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, được xây dựng năm 1888 và hiện vẫn được TKV sử dụng. Ảnh: Nguyễn Hùng
Theo các tư liệu lịch sử, ngày 28.4.1888, Công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp được thành lập mang tên Société Francaise des charbonnages du Tonkin (viết tắt là S.F.C.T, dịch nghĩa là Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ S.F.C.T).
Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Hùng
Công ty này có một hội đồng quản trị gồm những nhà tư bản nổi tiếng của Pháp, được quyền quản lý, khai thác vùng đất nhượng rộng lớn kéo dài từ Mông Dương qua Cẩm Phả, Hồng Gai đến Vàng Danh, Mạo Khê, trong đó có 6 mỏ lớn, nhiều mỏ nhỏ, 2 bến cảng đảm bảo cho tàu trọng tải 3.000-10.000 tấn vào ra, một nhà máy điện có công suất 1.000kW, 2 nhà máy cơ khí và nhiều trạm cơ khí nhỏ.
Cổng vòm vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Nguyễn Hùng
Ngay khi đến vùng Mỏ, người Pháp nhanh chóng bắt tay xây dựng những công trình hạ tầng, trong đó có trụ sở nhà điều hành Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ tại vị trí này.
Toà nhà hai tầng làm Trụ sở Công ty thời ấy là một dãy nhà làm việc của các chủ mỏ, phần còn lại là phòng nhì của mật thám Pháp.
Năm 1955, sau khi ta tiếp quản vùng Mỏ, trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ trở thành trụ sở của Xí nghiệp Quốc doanh than Hòn Gai, rồi Công ty Than Hòn Gai (tiền thân của TKV), nay là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của TKV.
Ông Hoàng Tuấn Dương – năm nay 84 tuổi, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo TKV, gắn bó với toà nhà này từ năm 1960 cho đến khi về hưu vào năm 2001– cho biết, đây được coi là tòa nhà đầu tiên của Pháp tại Hạ Long.
Kiến trúc của tòa nhà cơ bản còn nguyên vẹn. Ảnh: Nguyễn Hùng
Bởi, sau khi xây trụ sở thì người Pháp mới tiến hành xây biệt thự cho cai ký, chủ mỏ…, trong đó nổi bật nhất là biệt thự được cho là của một chủ nhất, được xây dựng năm 1896, sau là trụ sở của LĐLĐ Quảng Ninh và hiện còn tương đối nguyên vẹn
Về cơ bản, theo ông Dương, kiến trúc của công trình từng là trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ này vẫn nguyên vẹn như ban đầu, trừ một phần nhỏ được xây thêm ở phía đầu hồi bên phải cho bộ phận kế toán làm việc.
Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ đã được UBND tỉnh ra Quyết định 1799/QĐ-UBND xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 7.6.2021. Ảnh: Nguyễn Hùng
Hiện, trong một phòng làm việc ở ngay cổng đi vào, phía sau ghế ngồi có 2 cánh cổng sắt luôn đóng chặt.
Ông Dương cho biết, đây là cổng đường hầm nối từ Trụ sở S.F.C.T tới các khu nhà biệt thự của các chủ mỏ ở phía sau và đặc biệt là tới nhà tù khét tiếng ở gần đó. Đường hầm khá cao, rộng, được chèn chống bằng các khung sắt. Tuy nhiên, sau này nhiều chỗ bị lún, sụt bởi nhiều lý do.
Cửa hầm nằm ngay trong phòng làm việc. Ảnh: Nguyễn Hùng
Ngay đằng sau tòa nhà từng là Trụ sở S.F.C.T này hiện vẫn còn phòng – nơi các mật thám tra tấn các chiến sĩ, cán bộ Việt Minh trước khi đưa đến giam cầm ở nhà tù – hiện là di tích nằm ngay mặt đường Lê Thánh Tông.
Ông Dương nhớ, năm 1989, có một bà người Pháp, 74 tuổi, dẫn theo một đoàn khoảng 30 người – đều là họ hàng của bà – đến để nhờ tìm ngôi biệt thự mà bố của bà từng ở khi còn làm ở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ.
Trở lại ngôi nhà xưa, vị khách này vẫn nhận ra ngôi biệt thự bố bà ở, nhưng ngôi nhà thờ gần đó – nơi tổ chức lễ cưới của bà thì không còn vì bị bom Mỹ tàn phá sau này.
Nửa tháng sau, một đoàn cũng khoảng 30 người Pháp nữa lại đến tìm ông để nhờ dẫn lên ngôi biệt thự kia. Nhóm người này thuộc thế hệ con, cháu của bà khách 74 tuổi trên, “trở về” thăm ngôi biệt thự ngay sau khi được bà thông báo về kết quả chuyến đi.
Một cái tủ sắt của người Pháp để lại hiện vẫn được sử dụng để cất giữ giấy tờ.
Chiếc tủ này có 2 lớp cửa sắt rất dày. Ảnh: Nguyễn Hùng
Địa chỉ ghi trên tủ được dự đoán có thể là nơi sản xuất tủ. Ảnh: Nguyễn Hùng
Trong tủ có 2 ngăn mà theo những nhân viên của TKV làm việc ở đây, chưa bao giờ được mở ra.
Ảnh: Nguyễn Hùng
Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 7.6.2021. Dự kiến, trong thời gian tới, Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của TKV sẽ được chuyển sang tòa cao ốc bên cạnh, còn Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ sẽ trở thành bảo tàng của ngành
Nguyễn Hùng - Báo Lao Động
Tin tức khác
- “ GÓC THƯ VIỆN LỚP” Trường Tiểu học Hạ Long phát triển mô hình văn hoá đọc thúc đẩy học tập suốt đời
- Trường Tiểu học Hạ Long tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho lứa tuổi học sinh năm học 2024 - 2025
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục
- Phường Hồng Gai sôi nổi các hoạt động Ngày hội đoàn kết – Thắm tình quân dân năm 2024.
- Phường Hồng Gai tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, phòng ngừa, đấu tranh tệ nạn ma túy theo Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 12/3/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy trên địa bàn phường năm 2024