Siết chặt quản lý, tăng cường giám sát đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, năm 2023, khi tỉnh Quảng Ninh mở lại toàn bộ các hoạt động dịch vụ, du lịch, nhằm thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế, công tác đảm bảo ATTP đã được các địa phương, đơn vị tăng cường thực hiện với các giải pháp hiệu quả.

Theo thống kê toàn tỉnh hiện có 47.995 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó: ngành Y tế quản lý 9.253 cơ sở, ngành Công Thương quản lý 10.072 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 28.670 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. 6 tháng đầu năm 2023, công tác trao đổi thông tin, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng quan tâm, bám sát tình hình thực tế tổ chức các hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP một cách phù hợp, kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm và thực hành tốt các quy định bảo đảm ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở. Đồng thời, triển khai bảo đảm các biện pháp phòng chống, ngăn chặn, hạn chế tối đa các bệnh truyền qua thực phẩm.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Ngành Y tế và các địa phương đã chủ động, phối hợp xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp giám sát bảo đảm ATTP theo phân công, phân cấp quản lý. Cụ thể, đã thực hiện kiểm nghiệm 8.085 mẫu thực phẩm và dụng cụ chứa đựng thực phẩm, 166 mẫu không đạt yêu cầu (2,0%). Trong đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện 1.851 mẫu thực phẩm nhằm giám sát bảo đảm ATTP phục vụ hội nghị, sự kiện lớn của tỉnh; kiểm tra, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán; giám sát ô nhiễm định kỳ; giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm tại 16 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều và thành phố Uông Bí. 13 địa phương thực hiện kiểm nghiệm nhanh 6.234 mẫu thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, 162 mẫu dương tính (0,2%).

Các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP đã phối hợp chặt chẽ trong các đợt cao điểm về ATTP (Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP...) và giải quyết các công việc, sự vụ liên quan, nhất là xử lý, xử phạt vi phạm quy định về ATTP và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm nhập lậu. Trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế và các địa phương đã tiến hành thanh, kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại 3.900 cơ sở. Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 221 cơ sở (5,6 % cơ sở được kiểm tra) với tổng số tiền xử phạt gần 700 triệu đồng.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATTP đối với sức khỏe con người và phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động truyền thông được đổi mới hình thức, nội dung phù hợp với từng vùng miền, địa phương, từng đối tượng; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thông tin phản ánh, tố giác các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm ATTP về đường dây nóng của các ngành và các địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác an ninh, an toàn thực phẩm; coi việc đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, đảng, chính quyền địa phương. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.

Bảo Bình (Báo Quảng Ninh)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 99