Người Cựu chiến binh dành dụm lương hưu đi tìm đồng đội

Chúng tôi đến thăm ông vào một ngày hè, đầu mùa mưa nên chỉ kịp vào đến nhà là cơn mưa như chút nước xối xả; tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn đã cũ, lợp tôn, mọi người chào hỏi nhau phải nói thật to mới nghe rõ tiếng của nhau. Tôi chưa gặp ông bao giờ, nhưng vợ chồng ông tiếp chúng tôi rất niểm nở, thân thiện như đã từng quen nhau, người lính là như vậy đó.  

Cho đến nay, chiến tranh đã qua đi 45 năm rồi; tuy nhiên, câu chuyện mà tôi vừa ghi lại được dưới đây thì vẫn vẹn nguyên tình cảm đồng đội đã cùng vào sinh ra tử; đó là câu chuyện của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Anh Đương, hội viên chi hội CCB Khu phố 3, Phường Hà Tu và các đồng đội.

CCB Nguyễn Anh Đương ành dụm lương hưu đi tìm đồng đội

CCB Nguyễn Anh Đương, sinh năm 1951, quê Tứ Kỳ - Hải Dương, nhập ngũ năm 1971, tham gia chiến đấu tại chiến trường Đồng Tháp Mười, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, trung đoàn 320, Sư đoàn 8. Ông Đương cho biết, cùng đợt nhập ngũ với ông năm ấy có 18 người cùng xã nơi anh sinh ra và nhiều người khác quê ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Bắc…, sau đợt huấn luyện bổ sung, các ông mỗi người được giao một nhiệm vụ: người đi chốt, người làm pháo thủ, người làm nhiệm vụ nuôi quân… đối với cán bộ chiến sĩ ta, những tiếng “về Đồng Tháp Mười” có ý nghĩa thiêng liêng giống như 2 chữ “về R” trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước “Về Đồng Tháp Mười” là được đặt chân lên vùng “đất thánh cách mạng”, được về với “Thủ đô kháng chiến giữa bưng biền”. Những tiếng súng rền vang lúc gần, lúc xa đôi lúc làm cho người lính chúng tôi không khỏi hồi hộp, giật mình. Tuy nhiên, những dải khói đen kịt của bom, mìn, những tiếng súng rền vang đó không hề làm cho người lính chúng tôi run sợ mà vẫn thoăn thoắt, cẩn trọng thực hiện từng nhiệm vụ được giao”.

Chia sẻ với về quãng thời gian tham gia chiến đấu những năm 70 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Đương cho biết: “Đây là quãng thời gian khó trăm bề, nhất là vào mùa nước nổi, nhưng ai cũng luôn dũng cảm, lạc quan và đầy lòng nhân ái. Người lính tham gia chiến đấu luôn giữ được phẩm chất, vượt qua tất cả những hoàn cảnh gian khó nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Chia sẻ về hoàn cảnh hy sinh của đồng đội, ông Đương lặng đi một hồi rồi hồi tưởng: những năm tháng chiến đấu, ông tham gia nhiều trận chiến đấu ở các địa bàn khác nhau, nhưng đáng nhớ nhất là hai trận: trận đầu vào một sáng mùa hè năm 1972, tiểu đoàn ông tham gia chiến đấu ở huyện Mộc Hóa, Kiến Tường (nay là tỉnh Long An) đồng chí Trần Văn Sinh quê ở Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều hy sinh. Trận thứ hai tháng 6 năm 1972, tiểu đoàn ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi rút quân về đơn vị không may bị địch dùng máy bay B52 đánh đúng đội hình đơn vị đang hành quân. Đêm đến đơn vị đi tìm kiếm lại bị địch phục kích, bị thương vong một số, trong đó có hai đồng chí là Nguyễn Xuân Dụng và Nguyễn Doãn Trượng quê ởGia Lộ, Tứ Kỳ  Hải Dương; ông làm các thủ tục và với hai bàn tay ông bốc bùn đất mai táng đồng đội.

May mắn hơn những đồng đội khác, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả, năm 1976 ông chuyển ngành về Sở Văn hóa thể thao tỉnh Quảng Ninh với thương tật 18% và bị phôi nhiễm Dacam/ĐiÔXin; năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, ông lại một lần nữa khoác ba lô lên đường và công tác tại Ban CHQS thành phố Hạ Long, đến năm 1989 nghỉ hưu với quân hàm Đại úy. Tuy nhiên, những tình cảm, những kỷ niệm với những người đồng đội cùng ăn chung, ngủ chung và chiến đấu trên một chiến trường luôn khiến ông trăn trở, thôi thúc ông lên đường để tìm lại những người đồng đội còn sống và đặc biệt là tìm lại những đồng đội đã hy sinh.

Sau quãng thời gian tích cóp lương hưu và tiền trợ cấp, năm 2019 nhân dịp ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7) năm 2010, ông đã tìm được những người đồng đội chiến đấu năm xưa, hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh và ông đã đi vào lại chiến trường xưa tạỉ Mộc Hóa, tỉnh Long An tìm lại những đồng đội đã hy sinh. Lần thứ nhất ông đã tìm thấy và đưa Liệt sỹ Trần Văn Sinh quê Hồng Thái Đông, thị xã Đông triều về quê an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ của thị xã. Lần thứ hai, năm 2019, ông vào tìm lại vị trí mai táng hai Liệt sỹ: Nguyễn Xuân Dụng và Nguyễn Doãn Trượng; vào đến nơi ông báo cáo địa phương và ra nơi chôn cất; ông nhìn rất rõ vị trí nơi ông đã chôn cất ngày xưa, ông thuê máy xúc tìm kiếm nhưng không thấy;  ông hỏi người đang sinh sống ở đó, họ nói trước đây ông cháu ở đây, ông cháu thường xuyên chăm sóc hai ngôi mộ này, rồi ông cháu chuyển đi, giờ cháu đến ở, cháu không biết gì hết.

Với tấm lòng thành kính, ông đề nghị địa phương cho phép ông xây một cây hương ngay tại nơi chôn cất hai Liệt sỹ và được địa phương nhất trí, tạo điều kiện để ông thuê người làm. Từ năm 2019 đến nay, do thương tật và phôi nhiễm Da cam/ĐiÔ Xin, sức khỏe ông kém đi, nên ông chưa có điều kiện để thăm lại. Còn rất nhiều đồng đội đã hy sinh được ông chôn cất, nhưng do tuổi cáo, trí nhớ kém ông không nhớ được.

Đặc biệt hơn, như được chính anh linh, hương hồn các đồng đội đã hy sinh  chỉ đường dẫn lối, các ông đã tìm được đến với gia đình và đưa được hài cốt về an táng tại quê nhà, làm ấm lòng những người đã nằm xuống và cả những người còn đang sống hôm nay. Những hành động, việc làm tuy nhỏ bé của các ông đã thể hiện nét đẹp truyền thống của dân tộc, thể hiện trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng, sự tri ân của của người còn sống đối với những người đã hy sinh. Qua đó, góp phần cùng toàn xã hội chăm sóc, đền đáp công ơn những người có công, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ biết sống nhân ái, biết trân trọng những giá trị truyền thống, thêm yêu quê hương, đất nước./.

                                                    Trần Mạnh - CCB thành phố Hạ Long

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 46