Hạ Long quan tâm phát triển các dự án văn hoá

Xác định văn hoá sẽ là động lực phát triển quan trọng, tạo nên diện mạo mới và sức sống mới cho địa phương, đồng thời hiện thực hoá một trong những nội dung của chủ đề công tác năm là “phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, xây dựng thành phố của hoa và Lễ hội, bằng nguồn vốn ngân sách và xã hội hoá, Thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án văn hoá trên địa bàn, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn

Đức Ông Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn là con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là vị tướng đã có công lớn trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3 của dân tộc, được vua Trần phong tước là “Khai Quốc Công”.

Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được hình thành từ cuối thế kỷ 13, được xây dựng lại vào năm Quý Sửu 1913, được trùng tu lần thứ nhất vào năm Mậu Dần 1938, lần thứ 2 vào năm Nhâm Ngọ 2002. Là ngôi đền cổ, linh thiêng, nằm trong Cụm Di tích Lịch sử - Văn hoá và danh thắng núi Bài Thơ đã có lịch sử gần một ngàn năm và đã được công nhận là di tích quốc gia. Là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương và còn là địa điểm thu hút hàng vạn du khách đến tham quan, chiêm bái mỗi năm.

Trước đây, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức vào ngày 24/4 âm lịch hàng năm (ngày mất của ông). Tuy nhiên từ năm 2008, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP Hạ Long đã chỉ đạo phục dựng lại Lễ hội Đền Đức Ông gắn với hoạt động của Tuần du lịch Hạ Long nhằm nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân.

Mặc dù đã được trùng tu nhiều lần nhưng trải qua thời gian, chiến tranh tàn phá và thiên nhiên khắc nghiệt, Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn và Đền thờ vua Lê Thái Tổ cùng các hiện vật cổ trong Đền hầu hết đều đã xuống cấp và bị hư hỏng nặng. Do đó, việc tu bổ, tôn tạo, mở rộng các ngôi Đền trên là rất cần thiết để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Đền. Do đó, từ năm 2023, thành phố đã triển khai thực hiện 02 dự án văn hoá lớn là các dự án thuộc Khu văn hoá núi Bài Thơ, phường Hồng Gai và các dự án thuộc khu vực đền thờ Vua Lê Thái Tổ, xã Lê Lợi.

Các dự án thuộc Khu văn hoá núi Bài Thơ, phường Hồng Gai gồm: Dự án quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hoá núi Bài Thơ có tổng diện tích trên 11.580 m2 với tổng mức đầu tư khoảng trên 213 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự án được khởi công 03/4/2024. Trong quá trình thi công, do mưa lớn gây sạt trượt mái đất. Hiện nay đơn vị tư vấn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng phối hợp với Sở xây dựng lên phương án xử lý sự cố để đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án ảnh hưởng đến 37 hộ dân và 04 đơn vị. Tính đến thời điểm này, các đơn vị liên quan đã thực hiện kiểm đếm tài sản trên đất đối với 31 hộ và 4 đơn vị, 23/24 hộ, 3/4 đơn vị nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, phê duyệt phương án tái định cư cho 19/23 hộ, đã bàn giao GPMB được trên 9863ha.

Thành phố tiếp tục vận động các hộ dân nhận tiền, bàn giao mặt bằng và kiên quyết cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ không đồng ý kiểm đếm và bàn giao mặt bằng trước ngày 11/6/2024.

Các đơn vị đang tích cực triển khai giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng, tu bổ, tôn tạo

Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn

Dự án công viên, cây xanh từ khu vực Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đến cầu Bài Thơ có tổng diện tích  trên 8577 m2 với tổng mức đầu tư khoảng 239 tỷ đồng. Có 68 hộ dân và 1 đơn vị bị thu hồi đất để GPMB. Đến thời điểm này, các đơn vị, địa phương đã thực hiện kiểm đếm, ghi nhận tài sản trên đất đối với 47 hộ dân và 1 đơn vị. Các phòng, ban, cơ quan liên quan, UBND phường Hồng Gai tiếp tục vận động kiểm đếm các hộ còn lại xong trước ngày 15/6/2024; phê duyệt phương án, trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư xong trước tháng 8/2024. Những hộ cố tình không thực hiện kiểm đếm, bàn giao mặt bằng, thành phố sẽ cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

Đối với Dự án mở rộng, tu bổ, tôn tạo Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định hồ sơ quy hoạch. Sau khi có văn bản thẩm định của Bộ, UBND tỉnh sẽ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch di tích. Sau khi có nhiệm vụ lập quy hoạch di tích được phê duyệt, UBND Thành phố sẽ tiếp tục lập hồ sơ quy hoạch di tích trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định.

Hiện đơn vị tư vấn đã lập xong hồ sơ thiết kế các hạng mục. Phấn đấu hoàn thành hạng mục Đền Khải Thánh trước Tết Nguyên đán 2025.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt cấp uỷ, chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các phòng, ban, đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trong việc tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của các dự án, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ việc triển khai thực hiện trên địa bàn, giúp dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ làm cho hệ thống di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn ngày càng khang trang; nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ, giữ gìn, đóng góp công sức trong tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, nâng cao đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân thành phố. Các dự án này sẽ kết nối hài hòa, tổng thể với các di tích lịch sử trên địa bàn như: Cụm di tích lịch sử quốc gia núi Bài Thơ, Đền thờ Tiến sỹ Vũ Phi Hổ (thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi); Đình Trới (phường Hoành Bồ); Danh thắng núi Mằn(thôn Đá Trắng, xã Thống Nhất)… tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về tham quan, tìm hiểu, phát triển du lịch tâm linh. Trên cơ sở đó hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của hoa và lễ hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trần Thanh (halongcity.gov.vn)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2496