Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ

Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (tên tiếng Pháp là Société Francaise des charbonnages du Tonkin, viết tắt là SFCT) là nơi gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của ngành công nghiệp khai thác và hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh than tại Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung.

Cổng vòm trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ nay là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của TKV.

Trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ nay là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tọa lạc tại số 95A, đường Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, TP Hạ Long.

Theo các tư liệu lịch sử, ngày 28/4/1888, một công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp được thành lập mang tên Société Francaise des charbonnages du Tonkin, viết tắt là S.F.C.T, dịch nghĩa là Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ. S.F.C.T được quyền quản lý, khai thác vùng đất nhượng rộng lớn kéo dài từ Mông Dương qua Cẩm Phả, Hồng Gai đến Vàng Danh, Mạo Khê, trong đó có 6 mỏ lớn, nhiều mỏ nhỏ, 2 bến cảng đảm bảo cho tàu trọng tải 3.000-10.000 tấn vào ra, một nhà máy điện có công suất 1.000kW, 2 nhà máy cơ khí và nhiều trạm cơ khí nhỏ.

Đồng thời, người Pháp nhanh chóng bắt tay xây dựng những công trình hạ tầng, như: Cổng vòm, nhà điều hành, biệt thự cai ký, chủ mỏ, nhà tù, nhà máy sàng rửa than, 1 cây cầu tàu và 2 sàn tàu... Đây là cơ sở công nghiệp có quy mô lớn ra đời đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương.

Ông Nguyễn Ngọc Đàm (giữa) nguyên Giám đốc Công ty Than Hòn Gai, tiền thân của TKV, là người từng làm việc ở địa điểm này.

Trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ là chứng nhân lịch sử của ngành khai thác than ở Vùng mỏ Quảng Ninh. Dưới chế độ thực dân phong kiến, trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ là nơi chứng kiến thực dân và chủ mỏ Pháp thực thi những chính sách khai thác bóc lột, vơ vét thậm tệ đối với nguồn tài nguyên than đá của nước ta. Đồng thời, nơi đây còn là nơi ghi dấu những hoạt động của bọn mật thám, cai ký, chủ mỏ, nơi chúng thực hiện những hoạt động tình báo, gián điệp, khủng bố nhằm đàn áp phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân Vùng mỏ.

Năm 1955, sau khi ta tiếp quản Vùng mỏ, trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ là trụ sở của Xí nghiệp Quốc doanh than Hòn Gai, Công ty Than Hòn Gai (tiền thân của TKV), nay là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Nơi đây đã chứng kiến những nỗ lực, cống hiến của cán bộ, công nhân và nhân dân Vùng mỏ trong công cuộc khôi phục sản xuất những năm đầu hòa bình lập lại và tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn trao bằng công nhận Di tích cấp tỉnh “Trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ” cho lãnh đạo TKV vào ngày 11/11/2021.

Hiện tại, cổng kiểu vòm cuốn cổ kính cạnh gốc cây quéo già đã trải qua hơn trăm năm. Trước, có hai cánh cổng sắt khép kín, bên phải cổng có làm bậc cho đám lính “com-măng-đô” lên nóc cổng canh gác. Đi qua cổng vòm kiên cố là đến trụ sở Công ty SFCT. Toà nhà hai tầng làm Trụ sở Công ty thời ấy là một dãy nhà làm việc của các chủ mỏ, phần còn lại là phòng nhì của mật thám Pháp.

Phía sau dãy nhà hai tầng, có một nhà của Phòng nhì Pháp thông với đường hầm để sau khi tra khảo cán bộ Việt Minh, bọn mật thám sẽ đưa họ xuống giam cầm. Di tích nhà giam của thực dân Pháp nay chỉ còn là một tấm biển nhỏ trên tường đá rêu phong cuối con đường Lê Thánh Tông, đoạn gần ra bến phà Bãi Cháy cũ. Sau đó là biệt thự của chủ mỏ Pháp ở Hòn Gai, hiện nay hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn lại toà nhà xây dựng năm 1896 trước đây là trụ sở Liên đoàn Lao động tỉnh, nay tương đối nguyên vẹn.

Trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ cũng là nơi chứng kiến sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của ngành công nghiệp khai thác than. Từ một ngành khai khoáng thô sơ, lạc hậu, chủ yếu là khai thác vỉa lộ thiên (dưới thời Pháp thuộc), ngành Than đã từng bước phát triển, không ngừng lớn mạnh, đến nay đã trở thành một ngành công nghiệp hiện đại, có đóng góp lớn vào GDP của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của cả nước nói chung. Di tích trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ đã được UBND tỉnh ra Quyết định 1799/QĐ-UBND xếp hạng là di tích cấp tỉnh ngày 7/6/2021. 

Phạm Học - Báo Quảng Ninh

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 158