Đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW (ngày 21/10/2011) của Ban Bí thư, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hệ thống văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới.
Tỉnh tổ chức học tập, quán triệt trong các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân thông qua Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác tuyên truyền được đổi mới với nhiều hình thức: Đối thoại trực tiếp với các nhóm đối tượng, chủ doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, người lao động, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài; phát động phong trào thực hiện các chỉ tiêu về ATTP; phát huy vai trò giám sát, phát hiện của nhân dân đối với hành vi vi phạm ATTP… Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP; lồng ghép tuyên truyền thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh ATTP với các phong trào, cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…
Công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP được chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp ủy chỉ đạo chính quyền và các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh và các địa phương quan tâm phối hợp thực hiện. Hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu, quá hạn sử dụng, thực phẩm giả… Từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn liên ngành của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện trên 200 cơ sở vi phạm về ATTP, xử phạt trên 1,1 tỷ đồng; giá trị hàng tiêu hủy hàng tỷ đồng. Các trường hợp vi phạm về ATTP được các cơ quan, địa phương thông báo công khai, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Tỉnh xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, xanh và sạch; khuyến khích đầu tư sản xuất, chế biến thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; phát huy hiệu quả Chương trình OCOP. Toàn tỉnh hiện có trên 270 cơ sở sản xuất thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn thực hành tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (SSOP), phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); trên 1.000ha nông nghiệp hữu cơ; 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung. Các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ thực phẩm; đổi mới công nghệ sản xuất thực phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn.
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030: “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh...”. Để đạt mục tiêu trên, công tác ATTP tiếp tục là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục nêu cao trách nhiệm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về ATTP, bảo đảm tốt sức khỏe, sự an toàn cho nhân dân và du khách.
Tin tức khác
- “ GÓC THƯ VIỆN LỚP” Trường Tiểu học Hạ Long phát triển mô hình văn hoá đọc thúc đẩy học tập suốt đời
- Trường Tiểu học Hạ Long tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho lứa tuổi học sinh năm học 2024 - 2025
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục
- Phường Hồng Gai sôi nổi các hoạt động Ngày hội đoàn kết – Thắm tình quân dân năm 2024.
- Phường Hồng Gai tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, phòng ngừa, đấu tranh tệ nạn ma túy theo Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 12/3/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy trên địa bàn phường năm 2024