Chung tay đảm bảo ATTP trong nông nghiệp
Với đặc thù địa bàn thường xuyên đón khách du lịch, dân cư sinh sống tập trung ở những vùng đô thị, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiêu dùng lượng lớn sản phẩm nông nghiệp. Để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, từ nhiều năm qua vấn đề đảm bảo ATTP trong nông nghiệp được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, cũng như có sự tham gia tích cực của đông đảo nhân dân.
Đảm bảo ATTP trong nông nghiệp được hiểu là thực hiện quy trình sản xuất, chế biến, tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm sản và thuỷ sản theo quy chuẩn an toàn đã được đề ra. Mục tiêu để nông, lâm sản và thuỷ sản an toàn từ khâu sản xuất trực tiếp trên đồng ruộng, chuồng trại, đến khi đã được chế biến, trở thành món ăn trong bữa cơm của mỗi gia đình. Mans Farm có địa chỉ tại xã Thống Nhất (TP Hạ Long) là mô hình du lịch kết hợp sản xuất và tiêu dùng nông sản tại chỗ. Đối tượng của Mans farm là du khách muốn được hoà mình vào khung cảnh thiên nhiên và thưởng thức những món ăn đồng quê.Tại Mans Farm hiện có diện tích trồng cây ăn quả, rau xanh, mô hình chăn nuôi gà, lợn và ao thả cá. Cách làm của Mans Farm là thu hái những nông sản đang được đơn vị sản xuất trực tiếp, đồng thời liên kết, nhập nông sản của các hộ nông dân lân cận nuôi trồng để phục vụ du khách.
Thực tế, quy trình sản xuất hoa trái tại Mans Farm có hướng dẫn chuyên môn, được kiểm nghiệm thường xuyên, hướng tới quy trình sản xuất VietGAP hoặc hữu cơ. Điều kiện căn bản nhất là nông sản phục vụ du khách Mans Farm không dư lượng hoặc không có các chất mang gốc hoá học có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đáng nói, thời gian gần đây, những mô hình sử dụng nguồn nông, lâm sản, thủy sản tại chỗ để phục vụ khách du lịch như Mans Farm đang phát triển nở rộ. Điều này tạo ra mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch, làm tăng nguồn thu cho nông dân, làm đa dạng sản phẩm trải nghiệm của du khách, song cũng đặt ra yêu cầu nâng cao công tác ATTP trong nông nghiệp. Theo ông Phạm Văn Luyến, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, công tác đảm bảo ATTP đối với các sản phẩm nông nghiệp trong những mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch phải cao hơn, chặt chẽ, kỹ càng hơn. Đây là bài toán đặt ra đối với cả cơ quan chức năng quản lý, cả chủ đầu tư dịch vụ, cũng như đối với chính du khách tiêu dùng. Theo thống kê của tỉnh, trong sản xuất nông nghiệp, Quảng Ninh hiện có hơn 29.000 cơ sở sản xuất nông, lâm sản và thủy sản trực tiếp. Trong số này chủ yếu là các nông hộ, sản xuất nông nghiệp ở mức nhỏ lẻ, vốn chỉ phải ký cam kết sản xuất an toàn chứ không bắt buộc phải được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận sản xuất an toàn.
Với rất nhiều nỗ lực, hiện nay trình độ canh tác cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi nông hộ trong sản xuất nông sản sạch đã được nâng lên. Qua nhiều lần kiểm tra đều cho thấy người nông dân cơ bản chấp hành tốt quy định về áp dụng chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly khi sử dụng phân, thuốc gốc hoá học cho cây trồng, vật nuôi. Không phát hiện các trường hợp dư lượng chất kháng sinh quá quy định. Đối với những cơ sở sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn tỉnh hiện đều đã được quản lý, được kiểm tra, thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn. Một số vùng trồng trọt, chăn nuôi hiện nay của tỉnh đã áp dụng quy trình canh tác nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, được cấp mã số vùng nuôi, vùng trồng, được cấp mã số nông sản đủ điều kiện xuất khẩu… Điều này đồng nghĩa với việc những diện tích canh tác nông nghiệp này, những nông sản này đảm bảo ATTP. Để tiếp tục triển khai hiệu quả việc đảm bảo ATTP trong nông nghiệp, các đơn vị, địa phương đang tăng cường triển khai tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATTP. Sở NN&PTNT cũng duy trì hoạt động đường dây nóng về ATTP lĩnh vực nông nghiệp; duy trì thường xuyên hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ http://qn.check.net.vn. Các đơn vị chức năng đẩy nhanh hoạt động ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn và kiểm tra việc thực hiện cam kết đối với nông hộ sản xuất nông nghiệp trực tiếp; giám sát chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản thông qua hoạt động kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.